Quan niệm về xã hội học Émile_Durkheim

Theo quan niệm của Durkheim, có thể định nghĩa khái quát xã hội học là khoa học nghiên cứu các sự kiện xã hội (social facts). Xã hội học sử dụng các phương pháp thực chứng (quan sát) để nghiên cứu, giải thích nguyên nhân và chức năng của các sự kiện xã hội. Để hiểu rõ về đối tượng và phương pháp nghiên cứu của xã hội học, cần phải tìm hiểu về bối cảnh ra đời xã hội học của Durkheim.

Xã hội nước Pháp thế kỷ thứ XIX trải qua những biến đổi sâu sắc về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và kỹ thuật; Năm 1871, Công xã Paris bị đàn áp đẫm máu. Công nghiệp hóa nước Pháp diễn ra mạnh mẽ kéo theo sự tích tụ dân cư vào các thành phố lớn, đồng thời xáo trộn, đổ vỡ các quan hệ xã hội và cộng đồng tạo ra tình trạng hỗn loạn mà Durkheim gọi là "vô tổ chức", "vô chính phủ đạo đức". Lối sống cạnh tranh, vị lợi làm căng thẳng mối quan hệ giữa các tầng lớp, các nhóm xã hội và đặc biệt mẫu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trở nên quyết liệt.

Xã hội học của Durkheim đã ra đời trong bối cảnh xã hội có nhiều xáo trộn và biến đổi to lớn như vậy. Điều đó phần nào giải thích tại sao Durkheim cho rằng xã hội học có nhiệm vụ hàng đầu là tìm ra các quy luật xã hội để từ đó tạo ra trật tự xã hội trong xã hội hiện đại.

Về mặt lý luận khoa học, xã hội học Durkheim chịu ảnh hưởng của các nhà tư tưởng châu Âu; trong số đó có Jean - Jacqué Rousseau (1712-1778), Henri de Saint - Simon (1760-1825), Auguste Comte, Herbert Spencer, Wilhelm Wundt (1832-1920) và nhiều người khác. Chẳng hạn kế thừa và phát triển mô hình lý luận và phương pháp luận của xã hội học của Comte, Durkheim chủ trương xã hội học phải trở thành khoa học về các quy luật tổ chức xã hội.

Durkheim cho rằng, chỉ khi nào xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học như là sự vật thì xã hội học mới thực sự tách ra khỏi triết học, mới thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, kinh viện để trở thành khoa học cụ thể, mới có thể vận dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu xã hội. Xã hội tồn tại bên ngoài cá nhân và có trước cá nhân với nghĩa là cá nhân được sinh ra trong xã hội, và phải tuân thủ các chuẩn mực, phép tắc xã hội. Vì vậy, xã hội học cần phải xem xét hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội và các hiện tượng xã hội với tư cách là các sự vật, các bằng chứng, các sự kiện.

Xã hội học của Durkheim chủ yếu xoay quanh vấn đề mối quan hệ giữa con người và xã hội. Phản ánh rõ các ý tưởng của Spencer về "cơ thể xã hội", tiến hóa xã hội, chức năng xã hội; tương tự như Spencer, Durkheim cho rằng xã hội biến đổi từ xã hội đơn giản (cơ học) đến xã hội phức tạp (hữu cơ). Durkheim cố gắng trả lời câu hỏi làm thế nào có thể bảo đảm tự do cá nhân mà không làm tăng tính ích kỷ của con người trong khi vẫn tạo ra trật tự xã hội. Durkheim chỉ ra vai trò đoàn kết của xã hội, của phân công lao động trong xã hội đối với việc duy trì trật tự xã hội nói riêng và hệ thống xã hội nói chung. Durkheim phân tích các quá trình vi mô làm nền tảng của trật tự xã hội; Chẳng hạn, ông nghiên cứu các quá trình tương tác trực tiếp, giao tiếp cá nhân và các nghi thức xã hội, và các hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo để giải thích cách tổ chức và phát triển xã hội.